Ba cách nói chuyện gây ngột ngạt nhất trong gia đình
Nếu thường sử dụng câu hỏi tu từ - kiểu câu hỏi không tìm kiếm câu trả lời, mà để xem phản ứng của người khác, gây hấn và châm biếm, bạn đang gây không khí ngột ngạt.
Tạp chí People từng đưa ra tuyển tập "Những cách nói chuyện không hay" của người Trung Quốc. Chỉ sau một đêm đã nhận được 600 phản hồi với hơn 100.000 câu.
Có thể thấy, một gia đình hạnh phúc hay không thể hiện qua cách nói chuyện. Một số gia đình nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, thoải mái, không có gầm gừ, chỉ trích lẫn nhau. Lại có những nhà mở miệng là la hét, với giọng điệu bắt bẻ, đổ lỗi. Sống trong một gia đình như vậy thường khiến người ta cảm thấy ngột ngạt và chỉ muốn thoát khỏi.
Nhìn cách nói chuyện trong gia đình có thể nhận ra mối quan hệ vợ chồng và con cái. Ảnh: Aboluowang© Được VnExpress cung cấp
Theo các chuyên gia tâm lý, ba cách nói chuyện sau đây chỉ khiến mối quan hệ gia đình của bạn ngày càng đi xuống.
Câu hỏi tu từ
Trên Weibo có chủ đề thảo luận sôi nổi: Giọng điệu xúc phạm nhất một người sử dụng khi nói là gì?
Không ngạc nhiên khi hầu hết cho biết đó là câu hỏi tu từ. Trong tâm lý học cũng cho rằng những câu hỏi tu từ là giọng điệu tấn công hung hãn, có nhiều khả năng gây tổn thương và xúc phạm mọi người nhất.
Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ như thế nào nếu các thành viên trong gia đình thường xuyên nói với nhau câu này: "Con bị mù à? Không thể tự mình nhìn thấy sao?"; "Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, sao con không tiếp thu?" hoặc "Anh không có tay à?".
Không ai cảm thấy thoải mái khi nghe những lời này, nhưng nhiều người đã quen với việc giao tiếp bằng câu hỏi tu từ.
Chuyên gia tâm lý Qian Zhiliang, giảng viên khoa tâm lý Đại học Sư phạm Bắc Kinh chia sẻ câu chuyện về gia đình bạn mình. Người bạn đó cùng vợ đi du lịch, lúc đến khách sạn người vợ muốn mua một món đồ ở siêu thị gần đó, nhưng vì không biết đường xá nên cô hỏi: "Em không biết siêu thị có xa khách sạn không?".
Người chồng đang nằm nghỉ trên ghế sofa nói: "Em hỏi anh, anh biết hỏi ai được. Em không biết cách lên mạng mà tra à?".
Người chồng dứt lời, căn phòng trở nên yên tĩnh, người vợ không nói một câu. Khi người chồng ngước lên đã thấy vẻ mặt cô vô cùng sửng sốt, thất vọng. Một chuyến du lịch thú vị đã bị hủy hoại hoàn toàn bằng một câu nói.
Tại sao câu hỏi tu từ lại gây khó chịu như vậy? Bởi điều nó truyền tải không phải là thái độ thân thiện mà là sự khinh thường, chế giễu. Là một câu nói hàm ý người đối diện không những sai, còn thiếu hiểu biết và ngu ngốc.
Những câu hỏi tu từ theo thói quen thực sự gây tổn thương. Bắt đầu từ hôm nay, khi giao tiếp với mọi người hãy sử dụng các câu khẳng định thường xuyên hơn. Khi giao tiếp được nối dài, gia đình sẽ hòa thuận.
Thói quen tranh cãi
Trong không ít gia đình có một người dù người khác nói gì, họ cũng bác bỏ. Dù bạn làm gì họ cũng chỉ trích.
Trong một chương trình tạp kỹ về hòa giải hôn nhân mới đây, một người vợ trẻ đã quyết định ly hôn chồng vì cô không chịu nỗi phải tranh cãi với anh mọi việc. Dù cô có làm gì đi nữa, chỉ cần không phù hợp với mong muốn của chồng, anh sẽ lập tức "đánh phủ đầu" bằng giọng điệu mạnh mẽ. Cô không còn cách nào khác ngoài im lặng.
"Không phải tôi thích cãi, mà là cô ấy làm chuyện quá thiếu suy nghĩ nên phải dạy bảo", người chồng nói. MC chương trình liền bác bỏ: "Gia đình không phải là nơi để tranh cãi. Dù vợ không ân cần, bạn cũng nên bình tĩnh bàn bạc thay vì hung hăng áp đặt ý mình lên đối phương".
Trong gia đình, cãi vã là điều ngu ngốc nhất. Dù bạn thắng bằng lời nói nhưng lại làm tổn thương trái tim đối phương. Không có người chiến thắng sau tiếng súng. Làm tổn thương bên kia thực chất là gây thêm rắc rối cho chính mình.
Thói quen bắt bẻ
Nhà văn Hạ Bán Nguyệt (người Quảng Châu) có một người bạn đã hơn một lần phàn nàn chồng không tốt với cô và muốn ly hôn từ lâu. Phải đến một ngày nhà văn đến thăm nhà người bạn, ông mới hiểu rõ vấn đề trong mối quan hệ này là gì.
Bữa đó, cô bạn hì hụi nấu nướng suốt một giờ và bày ra bàn ăn ba món mặn, một món canh. Trên bàn ăn, người chồng dùng đũa chỉ vào đĩa đậu tuyết xào xúc xích nói: "Sao không xào thịt bò? Ngon hơn".
Một lúc sau, anh lại nói: "Khi nấu cơm sao em không cho hai giọt dầu lạc vào? Cơm không có độ bóng nào cả". Vừa ăn anh vừa bình phẩm món nấu nhạt, nấu mặn, cuối cùng lại hạch họe cô về vấn đề vệ sinh nhà bếp.
"Nghe thấy anh ta liên tục bắt nạt cô bạn, tôi cảm giác ngột ngạt và đau đớn",Hạ Bán Nguyệt kể.
Hầu hết các gia đình bất hạnh là hay buông ra với nhau những lời buộc tội không chính đáng và soi mói lỗi bất cứ lúc nào. Nếu một gia đình đầy sự kén chọn và bắt bẻ sẽ trở thành địa ngục tinh thần.
Những mâu thuẫn tầm thường giữa các thành viên trong gia đình tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt nhưng giống như những con mối ăn mòn gốc rễ từng chút một, cho đến khi làm lung lay nền móng. Hãy bớt chỉ trích và đổ lỗi, nói nhiều lời động viên và khen ngợi, cuộc sống sẽ tràn ngập những điều bất ngờ.
Bảo Nhiên (Theo Paper)