Trang chủ Liên hệ

Mẹo giảm khô môi

KACOCON 05/07/2024

Ngoài tẩy tế bào chết và dùng son dưỡng môi, các phương pháp tự nhiên như mật ong, nha đam, trà xanh cũng giúp làm dịu và cấp ẩm cho môi khô, nứt nẻ.

Môi nứt nẻ có thể gây đau, khó chịu, đôi khi chảy máu. Hầu hết mọi người đều gặp tình trạng này, nhưng phổ biến nhất vào mùa đông, khi thời tiết lạnh và khô, khiến môi mất đi độ ẩm.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác bao gồm liếm môi thường xuyên (viêm da do liếm môi); thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc thiếu sắt; nhiễm herpes và nấm candida ở miệng; dị ứng; tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Một số loại thuốc cũng có thể gây khô môi dẫn đến nứt nẻ.

Tình trạng này có thể cải thiện bằng những cách đơn giản dưới đây.

Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi là một trong những cách đơn giản nhất để chữa môi nứt nẻ.

Các chuyên gia khuyên tránh dùng son dưỡng môi có chứa tinh dầu bạc hà và khuynh diệp. Thay vào đó, nên dùng sản phẩm từ dầu khoáng, sáp dầu khoáng, bơ hạt mỡ... Nên chọn sản phẩm không có mùi thơm, không thuốc nhuộm màu và không gây dị ứng. Son dưỡng môi có chứa thành phần chống nắng giúp ngăn ngừa môi nứt nẻ do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tẩy tế bào chết môi: Giống như các vùng da trên cơ thể, môi cần thường xuyên loại bỏ tế bào chết để phòng tránh khô và nứt nẻ. Chườm khăn ấm và ướt lên môi giúp làm mềm các tế bào da chết và loại bỏ chúng dễ dàng hơn.

Dùng các phương pháp tự nhiên: Nha đam, dầu dừa, mật ong, dưa chuột, trà xanh chứa những tinh chất tốt cho da. Thoa gel nha đam, dầu dừa và mật ong trực tiếp lên môi để dưỡng ẩm cho làn da nứt nẻ.

Dưa chuột có khả năng hydrat hóa tự nhiên, vì vậy uống nước ép hoặc ăn cả quả có thể tăng cường cấp nước cho cơ thể, thúc đẩy lành thương.

Trà xanh với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa làm dịu môi khô, nứt nẻ. Bạn có thể đặt túi trà đã ngâm lên môi để làm dịu vết nứt hoặc uống trà xanh.

Uống đủ nước có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa da khô nói chung và môi nứt nẻ.

Dưỡng ẩm và tẩy tế bào chết thường xuyên giúp môi căng mọng. Ảnh: Anh Ngọc© Được VnExpress cung cấp

Dùng máy tạo độ ẩm: Không khí khô góp phần gây khô da, bao gồm cả môi. Dùng máy tạo độ ẩm và vệ sinh thường xuyên để hạn chế mầm bệnh có thể tích tụ trong máy.

Không hút thuốc: Thuốc lá tác động tiêu cực với da, có thể phá vỡ các sợi đàn hồi trên da, thu hẹp mạch máu và giảm vitamin A. Thói quen này cũng làm chậm khả năng tự chữa lành của cơ thể. Bỏ hút thuốc có lợi cho làn da và đôi môi.

Để ngăn ngừa môi nứt nẻ, nên thường xuyên thoa son dưỡng môi vào ban ngày và trước khi đi ngủ, uống nhiều nước, tránh liếm, cắn môi.

Nếu các biện pháp cải thiện tại nhà không hiệu quả, môi nứt nẻ kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để khám và điều trị phù hợp.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Bài viết liên quan