Danh mục
Phụ Kiện Giá Sỉ KACOCON

Ngày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: ở nhà không xong, phải tới ngân hàng

KACOCON Tuesday, 02 July, 2024

Ngày 1-7, nhiều người dùng vẫn gặp khó khi cập nhật thông tin sinh trắc học online để xác thực giao dịch chuyển tiền nên buộc phải ra ngân hàng để thực hiện.

Trong ngày đầu tiên, nhiều người dùng có lúc chưa thể chuyển tiền hơn 10 triệu đồng (ảnh nhỏ) vì vẫn còn nhiều trục trặc khi quét chip trên căn cước công dân để làm sinh trắc học trên app tài khoản ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong ngày đầu tiên, nhiều người dùng có lúc chưa thể chuyển tiền hơn 10 triệu đồng (ảnh nhỏ) vì vẫn còn nhiều trục trặc khi quét chip trên căn cước công dân để làm sinh trắc học trên app tài khoản ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH© Được Tuổi trẻ cung cấp

Có ứng dụng của một số ngân hàng bị phản ánh quá tải, không thể truy cập được...

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7, người dùng phải xác thực bằng khuôn mặt khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc chuyển số tiền hơn 20 triệu đồng/ngày.

"Dữ liệu khuôn mặt không trùng khớp..."

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết người dùng đã cung cấp thông tin sinh trắc học thành công trước thời điểm nêu trên đều có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền có xác thực bằng khuôn mặt.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp dù đã cập nhật thông tin nhưng chuyển khoản trên 10 triệu đồng vẫn không thành công vì hệ thống bị lỗi. Với những người chưa cung cấp thông tin sinh trắc học trước 1-7 còn gian nan hơn.

Anh Đăng Quang (quận Gò Vấp, TP.HCM) truy cập ứng dụng ngân hàng số Techcombank để chuyển tiền thì được yêu cầu phải bổ sung thông tin sinh trắc học mới thực hiện được lệnh.

Ngày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: ở nhà không xong, phải tới ngân hàng

Ngày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: ở nhà không xong, phải tới ngân hàng© Được Tuổi trẻ cung cấp

Tuy nhiên, khi nhấn vào mục bổ sung, anh Quang lại được thông báo: "Vui lòng ghé chi nhánh để bổ sung thông tin". Lý do là vì "điện thoại của bạn hiện chưa hỗ trợ bổ sung thông tin sinh trắc học. Để tránh gián đoạn giao dịch từ 1-7-2024, bạn vui lòng ghé chi nhánh gần nhất để bổ sung".

Qua tìm hiểu được biết điện thoại anh Quang đang dùng không có tính năng kết nối không dây chuẩn NFC (kết nối không dây trong tầm ngắn) nên không thể thực hiện được việc đọc thông tin trên thẻ căn cước công dân (CCCD).

Do đó, anh Quang cũng như những người dùng điện thoại phổ thông, smartphone không có kết nối NFC không thể thực hiện bổ sung thông tin sinh trắc học từ xa qua app mà phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các ngân hàng.

Dù smartphone có kết nối NFC "ngon lành" nhưng chị Thủy Tiên (quận 4, TP.HCM) cho biết sẽ phải ra ngân hàng bởi ứng dụng ngân hàng không chấp nhận hình ảnh chân dung chị cung cấp.

Chị Tiên cho biết đang nắm giữ tài khoản của công ty và phải thực hiện nhiều giao dịch trên 10 triệu mỗi ngày, nhưng do đang trong thai kỳ nên chị không tiện đi đến ngân hàng.

Sáng 1-7, chị Tiên mở ứng dụng Ngân hàng VPBank để cung cấp thông tin sinh trắc học nhằm chuyển khoản, nhưng sau rất nhiều lần thử chụp nhiều hình ảnh bằng điện thoại iPhone xịn sò, ứng dụng vẫn không chấp nhận hình ảnh của chị.

Dù chụp đến 4 tấm ảnh chân dung với đủ các góc độ nhưng sau nhiều lần chị vẫn chỉ nhận được thông báo: "Dữ liệu khuôn mặt không trùng khớp. Quý khách vui lòng thực hiện lại hoặc tới quầy giao dịch gần nhất để được hỗ trợ".

"Trong khi với các tài khoản ngân hàng khác, tôi thực hiện xong rất nhanh chóng và dễ dàng", chị Tiên cho biết.

Ứng dụng ngân hàng liên tục bị lỗi

Không chỉ gặp khó khăn khi cung cấp thông tin sinh trắc học, nhiều người dùng còn phản ánh tình trạng ứng dụng ngân hàng bị quá tải, không truy cập được trong sáng 1-7, làm ảnh hưởng đến nhiều giao dịch của họ.

Chị Ngọc Trâm (quận 1, TP.HCM) cho biết mở ứng dụng Vietcombank vào lúc 9h30 để chuyển khoản cho shipper nhưng khá trầy trật. Sau ba lần thất bại không nhận diện được gương mặt, chị Trâm mới đăng nhập được ứng dụng. Tuy nhiên, khi mở tính năng quét mã QR để chuyển tiền, ứng dụng bị đơ, không thấy phản hồi nhận mã.

"Tôi cố gắng thử lại, đã quét được số tài khoản nhận, ngân hàng nhận và sau đó tôi đợi khoảng 1 phút sau mới hiện ra tên người nhận. Bước nhập mã smart OTP cũng phải đợi khoảng 1 phút mới hoàn thành. So với trước kia ứng dụng rất nhạy chứ không bị ngập ngừng như vậy", chị Trâm kể.

Sau đó khoảng nửa tiếng, chị Trâm tiếp tục chuyển khoản nhưng "cứ mở ứng dụng Vietcombank là bị "đá" ra ngoài, kèm theo thông báo phiên đăng nhập hết hạn. Tôi đành phải nhờ đồng nghiệp chuyển ví điện tử giùm", chị Trâm nói.

Nhiều người dùng khác cũng phản ánh tình trạng không truy cập được ứng dụng Vietcombank trong nhiều giờ buổi sáng 1-7. "Dịch vụ không thực hiện trong lúc này. Quý khách vui lòng thử lại sau", "Yêu cầu của quý khách đến hệ thống tạm thời gián đoạn. Vui lòng thử lại sau"... là những thông báo nhiều người dùng nhận được khi mở app Vietcombank trong sáng 1-7.

Với những trường hợp chưa "quét" thông tin sinh trắc học trước đó còn gian nan hơn. Chị Vy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay trước đó đã tranh thủ thanh toán hết các khoản cần chuyển nên đến 1-7 chị vẫn chưa cập nhật thông tin CCCD trên ứng dụng ngân hàng. Bất ngờ sáng 1-7 có khoản phát sinh cần thanh toán, chị mới cập nhật nhưng quá gian nan.

Theo chị Vy, ở bước 1 chụp ảnh mặt trước CCCD và quét mã QR khá dễ. Nhưng đến khi đọc chip NFC, dù đã xem đi xem lại phần hướng dẫn, chị Vy vẫn thực hiện không thành công. Sau đó, chị phải tra hàng loạt hướng dẫn với từng dòng điện thoại và đã thành công.

"Tuy nhiên chưa kịp mừng, đến khâu chụp ảnh mặt sau CCCD xong thì bỗng dưng app ngân hàng đứng hình và thông báo "Dịch vụ không thực hiện được trong lúc này. Quý khách vui lòng thực hiện lại sau hoặc liên hệ tổng đài để được hỗ trợ"", chị Vy phản ánh.

Gặp trục trặc, khách hàng nên đến ngân hàng

Về những khó khăn của người dân khi cung cấp thông tin sinh trắc học cho ngân hàng, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cho biết có nhiều nguyên nhân từ cả người dùng lẫn ứng dụng ngân hàng. Chẳng hạn, người dùng thao tác không đúng, không đặt CCCD đúng vị trí đọc NFC trên điện thoại hoặc do điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc bị hỏng module đọc NFC.

Các trường hợp thông tin cung cấp không được chấp nhận có thể do người dùng có thay đổi lớn trên khuôn mặt như phẫu thuật thẩm mỹ, hoặc do người dùng thay đổi các thông tin tài khoản ngân hàng so với thông tin trên CCCD khiến cho ngân hàng khi so sánh thông tin thì thấy không khớp...

Về phía ngân hàng, có thể do hệ thống bị quá tải vào những lúc cao điểm khiến việc xác nhận, truy cập không thực hiện được. "Việc xác thực khuôn mặt do thuật toán của ngân hàng, với các trường hợp ứng dụng ngân hàng không xác thực được khuôn mặt người dùng, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ xử lý", ông Sơn khuyến cáo.

Cũng theo ghi nhận, những ngày gần đây các ngân hàng liên tục nhắc nhở khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng, đồng thời tung ra các clip hướng dẫn trực quan cho khách hàng dễ thực hiện.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng để tránh trường hợp kẻ gian lừa đảo, khách hàng chỉ cập nhật thông tin qua app ngân hàng, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Ngân hàng cũng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật... qua điện thoại hoặc qua đường link.

BVBank cho biết đến 1-7 đã có hơn 30% khách hàng của BVBank đã tiến hành xác thực khuôn mặt. "Trong quá trình cài đặt, khách hàng cần thay đổi thông tin giấy tờ tùy thân, có thể gọi video call đến bộ phận hỗ trợ 24/7 để được hỗ trợ.

Trường hợp không quét được NFC, người dùng nên đến các điểm giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ", một lãnh đạo ngân hàng này khuyến cáo.

Phải đến ngân hàng để cập nhật được dữ liệu sinh trắc học

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại một số chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng, trong ngày 1-7 có khá nhiều người tới liên hệ để cập nhật dữ liệu sinh trắc học vì không cập nhật được trên điện thoại.

Qua trao đổi, một số khách hàng cho biết dù đã sử dụng dòng điện thoại mới, đời cao nhưng app bị lỗi nên cập nhật không thành công. Có một số khách hàng do sử dụng dòng điện thoại đời cũ không đọc được thông tin chip CCCD qua NFC.

Có trường hợp thông tin của khách hàng trên hệ thống tại thời điểm mở tài khoản khác với thông tin trên CCCD gắn chip ở hiện tại.

Cảnh báo lừa đảo cung cấp thông tin sinh trắc học

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chuyên gia công nghệ của ngân hàng số Cake by VPBank khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp sinh trắc học dễ dàng cho các đối tượng xấu, không rõ mục đích. Đồng thời hạn chế cài đặt các ứng dụng lạ trên thiết bị điện thoại thông minh của mình.

Khi cung cấp thông tin sinh trắc học người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi cung cấp thông tin sinh trắc học người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa đảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH© Được Tuổi trẻ cung cấp

Bên cạnh đó, người dùng chỉ cài đặt các ứng dụng được hướng dẫn và có thông tin đầy đủ trên các cửa hàng chính thống từ Apple Store, Google Play. Hãy luôn nâng cấp và cập nhật các phiên bản mới theo khuyến nghị của ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Đặc biệt, người dùng phải chủ động sử dụng và cập nhật các bộ xác thực mạnh như sinh trắc học, Smart OTP cho mọi giao dịch có giá trị.

Bạn đang xem: Ngày đầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: ở nhà không xong, phải tới ngân hàng
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng