Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt: Thêm quy định về tiền điện tử e-money
Ngày 15/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành theo quy định pháp luật.
Tại Nghị định này đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money). Trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử; Quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước.
Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ vĩ điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Ảnh minh họa© Được VTC News cung cấp
Nghị định 52 cũng bổ sung quy định về thanh toán quốc tế, trong đó quy định vai trò quản lý Nhà nước của NHNN đối với thanh toán quốc tế; quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế; quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu, chi theo quy định của pháp luật;
Quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Quy định về biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Dự kiến Nghị định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thanh toán, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.