Phát hiện hành tinh có ngày vĩnh cửu và đêm vô tận
Một mặt của hành tinh này luôn hướng về phía ngôi sao chủ, chìm trong ánh sáng ban ngày vĩnh cửu, còn mặt kia lúc nào cũng trong bóng tối.
Ảnh minh họa hành tinh Speculoos 3-b - Ảnh: NASA© Được Tuổi trẻ cung cấp
Nhóm nghiên cứu thiên văn học thuộc trường Đại học Liège của Bỉ thông báo đã phát hiện một hành tinh đá có kích thước tương đương Trái đất, quay quanh một ngôi sao lùn cực lạnh.
Hành tinh này sở hữu nhiều đặc điểm độc đáo này được đặt tên là Speculoos 3-b và là một trong những khám phá ngoại hành tinh thú vị nhất trong thời gian gần đây.
Speculoos 3-b nằm cách Trái đất khoảng 55 năm ánh sáng, thuộc hệ sao Speculoos. Điểm đặc biệt của Speculoos 3-b là hành tinh này quay đồng bộ với ngôi sao chủ, nghĩa là một mặt của nó luôn hướng về phía ngôi sao, chìm trong ánh sáng ban ngày vĩnh cửu. Mặt bên kia, do đó, vĩnh viễn chìm trong bóng tối, tạo nên một đêm vô tận.
Hơn nữa, một năm trên Speculoos 3-b chỉ dài khoảng 17 giờ Trái đất, do nó hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao chủ trong thời gian ngắn.
-
Có gì trong mẫu vật ngoài hành tinh quan trọng nhất của NASA?
-
Phát hiện bằng chứng mới có thể có nước trên hành tinh K2-18b
Với vị trí quá gần ngôi sao chủ (cách khoảng 2 triệu km), Speculoos 3-b hứng chịu lượng bức xạ năng lượng cao gấp 16 lần Trái đất. Điều này khiến nhiệt độ bề mặt hành tinh lên đến 2600°C, cao hơn nhiều so với điểm nóng chảy của chì (937°C). Do đó, khả năng tồn tại sự sống trên Speculoos 3-b gần như không có.
Mặc dù không thể hỗ trợ sự sống, Speculoos 3-b mang giá trị khoa học to lớn. Đây là một trong số ít các hành tinh được phát hiện quay quanh sao lùn cực lạnh, loại sao nhỏ nhất và lạnh nhất trong vũ trụ.
Việc nghiên cứu Speculoos 3-b sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh trong hệ sao này, cũng như về bản chất của các sao lùn cực lạnh.
Speculoos 3-b được phát hiện nhờ mạng lưới kính viễn vọng Speculoos do trường Đại học Liège xây dựng. Với sự hỗ trợ của kính viễn vọng James Webb, các nhà khoa học có thể thu thập thêm dữ liệu chi tiết về Speculoos 3-b, bao gồm thành phần khí quyển và cấu tạo bề mặt.
Trong tương lai, trường Đại học Liège sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới kính viễn vọng Speculoos với các dự án Orion và Apollo, nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm và nghiên cứu các ngoại hành tinh tiềm năng.
Khám phá Speculoos 3-b là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực thiên văn học, mở ra hướng nghiên cứu mới về các hành tinh quay quanh sao lùn cực lạnh. Với sự phát triển của công nghệ kính viễn vọng, chúng ta có thể hy vọng vào những khám phá còn thú vị hơn nữa về vũ trụ bao la trong tương lai.