Bộ Xây dựng vừa có đề xuất bảy trường hợp phải đánh lại số nhà. Việc này có nên thống nhất cả nước?
Biển số nhà dài, nhiều xuyệt gây rối loạn khó nhớ đang là điều bất tiện với nhiều người tại TP.HCM - Ảnh: TIẾN QUỐC© Được Tuổi trẻ cung cấp
Đổi số nhà phải nhìn xa hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Chứ không phải cứ thay đổi xoành xoạch, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, lãng phí tiền của, phải làm bền vững lâu dài.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng
Tuổi Trẻ ghi nhận thực tế và ý kiến xung quanh việc này.
"Ma trận" số nhà
Nhiều quận huyện tại TP.HCM có đặc trưng tồn tại nhiều khu dân cư gắn với các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo cùng với nhiều khu dân cư mới. Tìm địa chỉ nhà trong hẻm ở nhiều nơi "không biết đường mà lần".
Trong con hẻm 122 (đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân, TP.HCM) có những căn nhà có 3-5 xuyệt. Ông Tư Sang, nhà ở nơi này, nói: "Nhiều người ở đây nhiều khi còn không nhớ nổi số nhà của mình".
Hẻm 36 trên đường này có khu chợ dân sinh tấp nập, có những nhà không treo biển số. Đến cuối hẻm 36, nhà số 36/48/13 Bùi Tư Toàn lại có thêm số khác 45/26 Lê Lai. Người dân cho biết khu này vừa được đổi tên đường mới.
Chạy dọc đường Lê Lai thấy lại xen kẽ con hẻm 36/45 với các số nhà "choáng váng" như 36/45/20/22. Bà Phương Anh (ngụ hẻm 36/45) cho biết hễ có bà con xa ở quê lên hay bạn bè quận khác qua là phải gửi định vị chứ báo số nhà là thua, không tìm được.
-
Hoa mắt tìm số nhà trên đường Phan Xích Long
-
"Nhức não" với số nhà loạn xạ đường Phan Xích Long, TP.HCM
Việc tìm địa chỉ nhà ở phường Tân Hưng Thuận (quận 12) cũng vô vàn trắc trở bởi những biển số gắn lộn xộn nhau.
Đứng tại địa chỉ số 96/86/9 đường Song Hành (phường Tân Hưng Thuận), chúng tôi thấy biển số cũ ghi 27/13A, căn nhà kế bên lại có địa chỉ 27/7 nối dài. Đối diện nhà này là căn nhà ghi địa chỉ 2/52B.
Lớp mẫu giáo Thạch Thảo tại địa chỉ 179/1 khu phố 6 (phường Tân Hưng Thuận), nhưng căn nhà liền kề bên phải lại có địa chỉ 175/1 Trường Chinh, căn liền kề bên trái gắn biển số nhà 238/17 Trường Chinh.
Ông Nguyễn Phong (quận 12) cho biết nhà ông có tới ba số, số theo hộ khẩu được cấp từ năm 2003, số theo quy ước điện lực cấp năm 2003 và số mới do địa phương cấp lại năm 2022. "Đi làm giấy tờ trên phường phải dùng số theo hộ khẩu, giao dịch điện lực dùng số họ cấp, đặt xe ôm phải dùng định vị", ông Phong nói.
Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) dù quận đã thay đổi số nhà, nhưng một số căn nhà được gắn số lộn xộn giữa số mới và số cũ.
Số nhà ở thủ đô Hà Nội cũng có tình trạng "nhảy cóc", chẵn lẻ lẫn lộn, xen kẽ nhau. Cụ thể trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) hướng về đường Hào Nam. Trên phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân)... cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Một số nhà ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN© Được Tuổi trẻ cung cấp
Giải pháp từ địa phương
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-5, một lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng nhìn chung số nhà tại Hà Nội ít lộn xộn so với nhiều đô thị khác.
"Cá biệt vẫn có một số tuyến đường đánh số lộn xộn do lịch sử trong quá trình đánh số nhà, tách sáp nhập các quận, huyện, phường xã, nhiều nhà vẫn dùng những số cũ để tiện liên hệ. Sắp tới sẽ có những đoàn liên ngành đi kiểm tra, rà soát các số nhà đang đánh lộn xộn để điều chỉnh lại", vị này nói.
Báo cáo với Sở Xây dựng TP.HCM mới đây về công tác đánh số nhà trên địa bàn quận Bình Tân, ông Vũ Chí Kiên, phó chủ tịch UBND quận, đánh giá công tác đánh số nhà trên địa bàn quận cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, nhu cầu thực tế vẫn tăng do các dự án nhà ở và nhà ở riêng lẻ vẫn được cấp phép và xây dựng thêm.
Do đô thị hóa nhanh, dân số đông, nhiều khu dân cư hình thành với nhiều tuyến hẻm ngóc ngách nhỏ, từ đó có những số nhà nhiều xuyệt. Quận Bình Tân đã khảo sát tổng thể thực tế, tận dụng những tuyến đường mới mở và những dự án mới hình thành lân cận tìm giải pháp kết nối hạ tầng giao thông, hạn chế thấp nhất tình trạng số nhà nhiều xuyệt.
Đối với những trục đường còn đất trống, quận căn cứ quy hoạch chỉ tiết xây dựng trên toàn tuyến đường để lập quỹ số nhà dự trữ cho tuyến đường đó. Khi phát sinh tăng số nhà so với quỹ dự trữ thì áp dụng nguyên tắc chèn số nhà.
Đối với những trục đường mới mở nối dài (phần nối dài đó không thể đặt tên đường mới), nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số theo quy chuẩn của quy định 22/2012.
"Đối với các đường mới mở, quận chỉ đạo phòng quản lý đô thị phối hợp tham mưu quận kiến nghị TP đặt đổi tên đường đồng thời đánh số nhà. Quận cũng chỉ đạo tập trung nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đối số trong công tác cấp số nhà trên địa bàn quận" - ông Nguyễn Văn Sử, trưởng Phòng quản lý đô thị quận Bình Tân, cho hay.
Địa chỉ số nhà 96/86/9 đường Song Hành, phường Tân Hưng Thuận với biển số cũ ghi 27/13A, tuy nhiên căn nhà kế bên lại có địa chỉ 27/7 nối dài, đối diện nhà này lại là căn nhà ghi địa chỉ 2/52B - Ảnh: C.NƯƠNG© Được Tuổi trẻ cung cấp
TP.HCM có thể sẽ điều chỉnh nhiều
Năm 2006, Bộ Xây dựng đã có quyết định 05 ban hành quy chế về đánh số và gắn biển số nhà. Từ quyết định trên của Bộ Xây dựng, các địa phương đã ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà để áp dụng cho phù hợp với địa bàn. Dự thảo thông tư đang xây dựng dự kiến sẽ thay thế quyết định 05 trên.
Về nguyên tắc đánh số nhà, các văn bản và địa phương thống nhất đánh số các nhà bên trái là số lẻ tăng dần, nhà bên phải đường là số chẵn tăng dần từ đầu đường đến cuối đường. Nhưng cách xác định hướng đánh số nhà trong các văn bản của bộ và các quy chế đánh số nhà ở các địa phương có khác.
Quyết định 05 năm 2006 của Bộ Xây dựng quy định chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Tại dự thảo thông tư quy định chiều đánh số nhà là từ trung tâm TP ra tới ngoại ô (đối với đường hướng tâm). Với các đường bao, đường vành đai thì số nhà được đánh theo chiều kim đồng hồ.
Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau; chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Chiều đánh số nhà theo quy chế đánh số nhà của TP Hà Nội có nội dung tương tự như dự thảo thông tư.
Tại TP.HCM thì chiều đánh số nhà được tính từ gốc chuẩn trở ra. Gốc chuẩn của TP.HCM được xác định là các dòng sông và kênh lớn của TP như sông Sài Gòn, Đồng Nai, kênh Đôi, kênh Tẻ...
Cụ thể khu vực các quận huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi: chiều đánh số nhà là Đông - Tây, Nam - Bắc, gốc chuẩn là kênh Đôi, kênh Tẻ.
TP Thủ Đức: chiều đánh số nhà là Tây - Đông, Nam - Bắc, gốc chuẩn là sông Sài Gòn và một phần sông Đồng Nai. Khu vực các quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần giờ, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh: chiều đánh số nhà là Đông - Tây, Bắc - Nam (trong đó, quận 8: gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ - rạch Nhảy; các quận 7, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình chánh: gốc chuẩn là sông Sài Gòn và kênh Đôi - kênh Tẻ). Với các đường vành đai ở TP.HCM thì chiều đánh số nhà ngược chiều kim đồng hồ.
Các trường hợp sẽ phải đánh lại số nhà
- Các đường đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát.
- Các tuyến đường đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên.
- Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới.
- Các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên.
- Các đường được UBND cấp tỉnh quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà.
- Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới.
- Các nhà chung cư sử dụng được đánh số căn hộ trái nguyên tắc đánh số của thông tư này.
(Theo đề xuất của Bộ Xây dựng)
* KTS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Phải có khảo sát, nghiên cứu kỹ thực tế
<a></a>© Được Tuổi trẻ cung cấp
Đánh số nhà phải chú trọng sự ổn định của đô thị và người dân sống trong đô thị.
Muốn số nhà ổn định lâu dài, đơn vị xây dựng dự thảo và các địa phương phải thực sự coi trọng nguyên tắc đánh số nhà, tức phải coi trọng thông tư để nghiêm túc nghiên cứu, khảo sát trong quá trình xây dựng dự thảo.
Số nhà là địa chỉ bất động sản, không chỉ là để tìm kiếm địa chỉ mà gắn liền với tài sản và nhân thân của người chủ sở hữu.
Quy tắc đánh số nhà mới cần hết sức tránh thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân, không vì các quy định của Nhà nước mà bắt người dân phải thay đổi số nhà đã ổn định lâu nay.
Thông tư chưa thấy quy định những điều cấm trong việc đánh số và gắn biển số nhà. Nhà nước phải giữ quỹ số nhà và thông tin cho người dân khi họ có liên quan đến số nhà, địa chỉ bất động sản đó.
Cần thống nhất các định nghĩa trong việc đặt số nhà như sử dụng từ ngõ, ngách, kiệt hay hẻm. Ở các đô thi phía Nam, hẻm mang số của số nhà đầu hẻm, nhà trong hẻm thì có xuyệt (/), hẻm của hẻm là hai xuyệt là cách đơn giản, dễ tìm kiếm.
Trường hợp nào phải đặt số nhà nhiều xuyệt thì vẫn phải chấp nhận với điều kiện những cái xuyệt này phải khoa học và dễ tìm. Để giảm bớt xuyệt trên số nhà thì Nhà nước phải làm các con hẻm có nhiều lối thông ra đường lớn.
Theo tôi nghĩ, Bộ Xây dựng cần khảo sát thực tế kỹ hơn, nghiên cứu về tập quán, địa hình, thói quen cùng lịch sử đánh số nhà ở các đô thị để xây dựng thông tư sát với tình hình thực tế và bảo đảm được sự ổn định về số nhà, địa chỉ bất động sản cho người dân.
Những chỗ nào đã có số nhà cũ quen dùng, ổn định rồi thì nhất quyết không thay đổi. Những trường hợp bắt buộc đổi số nhà cũng phải dựa trên nguyên tắc đó.
Lâu nay, mỗi địa phương tự ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà riêng và... không giống nhau.
Các địa chỉ, số nhà đó đã được đưa vào sổ sách hành chính, được định vị trên bản đồ địa chính, thậm chí định vị cả trên tọa độ. Vậy thì có cần phải thống nhất một cách đánh số trên toàn quốc hay không?
* KTS Phạm Thanh Tùng (chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam):
Làm lại số nhà để số hóa quản lý
<a></a>© Được Tuổi trẻ cung cấp
Việc Bộ Xây dựng có chủ trương làm lại số nhà là rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số, quản lý dân cư bằng kỹ thuật số.
Cần phải có một đội ngũ giỏi về chuyển đổi số, từ việc thống kê, điều tra để việc thay đổi số nhà không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Sau khi làm lại số nhà xong, nên cập nhật đầy đủ, chính xác lên hệ thống để quản lý dân cư thuận lợi; hạn chế gây ảnh hưởng, làm phiền tới người dân.
Nếu cần thiết, các đơn vị liên quan có thể tập huấn cho đội ngũ công chức, cán bộ được giao nhiệm vụ thống kê, đặt lại số nhà để việc này được thực hiện chuyên nghiệp, không tùy tiện.
* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):
Điều chỉnh các tồn tại về số nhà là cần thiết
<a></a>© Được Tuổi trẻ cung cấp
Dự thảo Bộ Xây dựng để điều chỉnh, đánh số nhà lại đối với các trường hợp gồm: tuyến giao thông có nhiều nhà xây mới, nhiều nhà tự phát; tuyến giao thông cải tạo, mở rộng; các tuyến nối dài; các tuyến được tách nhập thành các tuyến mới...
Dự thảo tập trung điều chỉnh số nhà để giải quyết tồn tại hiện nay khi số nhà còn lộn xộn đi liền với quá trình phát triển đô thị.
Gắn với yêu cầu phát triển đô thị, số nhà cần điều chỉnh đảm bảo đúng quy định, khoa học, khắc phục tình trạng bất cập trong việc đánh số nhà.
Đồng thời khi số nhà được điều chỉnh, sắp xếp khoa học thì việc quản lý dữ liệu về nhà, đất quy hoạch cũng sẽ được tốt hơn và từ đó có thể áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý cũng như cho nhu cầu thiết thực của người dân. Yêu cầu này là rất cần thiết với một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh như TP.HCM.