Trang chủ Liên hệ

Tiểu hành tinh khổng lồ đang bay gần Trái Đất

KACOCON 26/06/2024

Hôm 27/6, tiểu hành tinh 2011 UL21 to ngang một ngọn núi sẽ bay đến gần Trái Đất khoảng 8 triệu km, là một trong những thiên thạch lớn nhất bay gần vậy trong hơn một thế kỷ.

Mô phỏng tiểu hành tinh lao về phía Trái Đất. Ảnh: Sky News© Được VnExpress cung cấp

Tiểu hành tinh 2011 UL21 sẽ bay rất gần Trái Đất cuối tuần ở tốc độ khoảng 93.000 km/h. Vật thể có khả năng gây nguy hiểm này nằm trong số những thiên thạch đồ sộ nhất bay gần Trái Đất trong hơn 100 năm, theo Live Science.

Quỹ đạo của 2011 UL21 khiến nó đôi lúc chỉ cách Mặt Trời chưa tới 1,3 đơn vị thiên văn (AU), gấp khoảng 1,3 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời. Nó mất 3 năm để quay một vòng quanh Mặt Trời. Dựa trên quan sát trước đây, 2011 UL21 có chiều rộng 1,7 - 3,9 km, lớn hơn 99% tiểu hành tinh gần Trái Đất đã biết, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

2011 UL21 nhiều khả năng nhỏ hơn ít nhất 10 lần so với thiên thạch lớn nhất từng đâm vào Trái Đất là tiểu hành tinh Vredefort và nhỏ hơn 5 lần so với thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Tuy nhiên, dù lực va chạm tiềm ẩn từ 2011 UL21 không dữ dội như các vụ va chạm trong lịch sử, tiểu hành tinh này vẫn có khả năng gây thiệt hại ở cấp châu lục và bắn nhiều mảnh vỡ vào khí quyển đủ để gây ra biến đổi lớn với khí hậu, đó là lý do nó được xem như "kẻ hủy diệt hành tinh".

Hôm 27/6, 2011 UL21 sẽ phóng qua Trái Đất cách 6,6 triệu km - gần nhất trong ít nhất 110 năm qua, theo mô phỏng của Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA. Do khoảng cách đó, NASA xếp nó vào nhóm vật thể có khả năng gây nguy hiểm. Tuy nhiên, 2011 UL21 vẫn ở xa Trái Đất gấp khoảng 17 lần so với Mặt Trăng.

Dù 2011 UL21 không đe dọa Trái Đất ở hiện tại hay tương lai, đây là một trong 10 tiểu hành tinh lớn nhất từng bay cách Trái Đất 7,5 triệu km từ năm 1900, theo Gianluca Masi, nhà vật lý thiên văn kiêm giám đốc Dự án kính viễn vọng ảo (VTP). 2011 UL21 có thể quan sát trên bầu trời đêm bằng kính viễn vọng. Nó sẽ sáng nhất trong hai ngày 28 - 29/6 và nhìn được từ Bắc bán cầu. Khi sáng nhất, 2011 UL21 sẽ có độ sáng tương đương Proxima Centauri, ngôi sao ở gần Mặt Trời nhất, theo VTP.

2011 UL21 sẽ không bay gần Trái Đất như vậy nữa cho tới năm 2089, khi nó cách hành tinh 2,7 triệu km, gần hơn 2,5 lần so với lần tiếp cận hiện nay, theo HPL. Giới nghiên cứu không ghi nhận tiểu hành tinh nguy hiểm nào có khả năng đâm vào Trái Đất trong 1.000 năm tới. Tuy nhiên, một số tiểu hành tinh nhỏ hơn sẽ bay qua rất gần trong vài năm tới. Ví dụ, tiểu hành tinh Apophis đủ lớn để xóa sổ cả thành phố, sẽ lao qua Trái Đất ở khoảng cách gần hơn nhiều vệ tinh vào năm 2029.

An Khang (Theo Live Science)

Bài viết liên quan