Trang chủ Liên hệ

35 tuổi vẫn đi xin việc là thất bại?

KACOCON 09/05/2024

Phương Uyên, 33 tuổi, ở TP HCM tự nhận mình là người thất bại bởi từ đầu năm đến nay đã gửi CV đi khắp nơi mà chưa được công ty nào nhận.

Tuổi này, bạn bè cô đều đã lên vị trí quản lý, trưởng phòng, leader, còn cô vẫn miệt mài ứng tuyển làm nhân viên. "Cuối năm ngoái tôi đã từ chối một tổ chức giáo dục với mức lương, phúc lợi và cơ hội thăng tiến tốt vì lý do con nhỏ", Uyên nói.

Gần nửa năm đi "rải CV", trong lần phỏng vấn gần nhất, một vị sếp người Hàn Quốc đã thẳng thắn từ chối vì Uyên có con nhỏ và họ cần những nhân viên cống hiến 100%, "không bị ảnh hưởng bởi gia đình". Tình trạng thất nghiệp kéo dài khiến Uyên suy nghĩ, thậm chí nghi ngờ khả năng của chính mình.

Chút tự tin cuối cùng của Uyên đã hoàn toàn tan biến khi đọc chủ đề "Sau 35 tuổi, thậm chí sau 30, mà phải gửi CV để cho người ta xem xét, có thể xem là một thất bại", được bàn thảo sôi nổi trên mạng xã hội với hàng triệu bình luận.

Phát ngôn này của một doanh nhân có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh - nghiên cứu thị trường cho rằng những lao động trên 30 tuổi hiện khó cạnh tranh được với Gen Z. "Ở tuổi này muốn chuyển công việc thì phải để headhunt (người tuyển dụng nhân tài) đến tìm mình, hoặc tự bứt ra kinh doanh", doanh nhân nói.

Nhiều người đã kể những khó khăn khi thất nghiệp ở độ tuổi 30-35, bị kỳ thị tuổi tác và phải mất nhiều tháng, nhiều năm đi "rải CV" mới mong tìm được việc.

Một lao động trên 35 tuổi tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Long Biên, Hà Nội đầu năm 2023. Ảnh: Phan Dương© Được VnExpress cung cấp

Khi đọc được quan điểm này, anh Nguyễn Tiến Lung, 36 tuổi, bỗng cảm thấy cần phải được "chữa lành".

31 tuổi anh nộp CV vào Vinmec. 34 tuổi làm đơn xin vào NovaMed. 35 tuổi ứng tuyển vào fBioMed. "May quá chỗ nào cũng được nhận", anh Lung, quản lý một phòng xét nghiệm tư nhân ở Hà Nội chia sẻ.

Theo anh, không người lao động nào muốn nhảy việc nhưng vì nhiều lý do từ cả hai phía nên phải chia tay nhau. Đi xin việc mới không phải là thất bại, đôi khi là bước tiến khi chỗ cũ không còn phù hợp với năng lực và mục tiêu của bản thân. Mỗi người có một hoàn cảnh, quá trình học tập, làm việc và thành công ở một độ tuổi khác nhau.

"Tôi nghĩ 30 hay 35 còn khá trẻ, đang là giải đoạn tích lũy, việc thay đổi chỗ làm không nên bị đưa ra làm tiêu chí đánh giá một người thất bại", anh Lung nói.

Chung quan điểm, anh Nguyễn Quang Thắng, nhà sáng lập một công ty về đào tạo kỹ năng mềm cho biết không có mẫu số chung cho những người sau 35 tuổi hay Gen Z, Gen Y; càng không nên đánh đồng bất cứ ai. Nếu coi 35 tuổi đã già là quá thiển cận.

"Vẫn còn nhiều người Việt có cách nghĩ cổ hủ. Ai cũng muốn làm thầy, không ai chịu làm thợ và coi thường những người làm việc trực tiếp. Quan điểm này bất công cho những người sau 35 tuổi, đặc biệt những người có trình độ lao động thấp sẽ thấy tủi thân", anh chia sẻ.

Đã và đang sửa nhiều CV cho lao động tuổi 35, anh Thắng cho biết không phải họ kém cỏi hay thái độ không tốt, đơn giản nhiều người chưa có kinh nghiệm làm CV, hoặc chưa nhảy việc nhiều nên thiếu kinh nghiệm.

"Bản thân tôi 34 tuổi mới ngồi tập viết CV kiếm việc làm, đi lên từ vị trí nhân viên, đến hiện tại ở tuổi 51 vẫn có các công ty mời về. Tôi lấy lại được những mảnh đất, nhà cửa, những gì đã mất ở tuổi 34 sau hai lần khởi nghiệp", anh nói.

Anh Nguyễn Tiến Lung (trái) tham dự Triển lãm y dược quốc tế tại Hà Nội, hôm 9/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp© Được VnExpress cung cấp

Với 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, ông Bùi Đoàn Chung, nhà sáng lập cộng đồng Nghề Nhân sự Việt Nam cho rằng thất nghiệp là tình trạng đôi khi không phụ thuộc và bản thân người lao động.

Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, chịu ảnh hưởng bởi cung và cầu. Như ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức hiện nay, vì thiếu nguồn nhân lực nên lao động lớn tuổi vẫn phải làm việc. Việt Nam có hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động, đang dư thừa so với số lượng công việc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công ty, doanh nghiệp rút khỏi thị trường và sự lấn át của AI.

Trong báo cáo "Xu hướng Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới năm 2024", Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng lên hơn 5% trong năm nay. Tại Việt Nam có hơn 1 triệu người thất nghiệp trong năm 2023, theo Tổng cục Thống kê.

Nhiều báo cáo cũng chỉ ra năng suất lao động của người Việt thấp so với các quốc gia trong khu vực. Người sử dụng lao động họ sẽ luôn cân nhắc lựa chọn nhân sự phải trả lương ít hơn, trẻ khỏe hơn xét theo cùng một tính chất công việc.

Trong bối cảnh này, lao động bắt buộc phải luôn tự nâng cao giá trị của mình. Ông Chung kể đang làm việc với một nữ CEO tên Vân Anh, 47 tuổi, giám đốc một công ty hơn 300 khách hàng nhưng mỗi tuần vẫn dành 2-3 tối học thêm tiếng Trung dù đã rất thành thạo tiếng Anh.

Tuần rồi công ty ông cũng mới tuyển dụng hai vị trí đều 24 và 28 năm kinh nghiệm làm việc. Điểm chung là các nhân sự này đều rất giàu năng lượng, trách nhiệm, biết cần làm điều gì tốt nhất cho công ty.

Theo ông Chung, 35 tuổi - tương đương 13 năm tuổi nghề - là thời điểm chín của sự nghiệp, công việc, là độ tuổi trưởng thành về mặt cảm xúc. Nhiều người có vợ con phải lo, có gấp đôi cha mẹ và gấp nhiều lần trách nhiệm trong các mối quan hệ gia đình.

"Giá như, ai cũng có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu; giá ai cũng có thể bao dung và nhìn nhận vấn đề đa chiều, tích cực thay vì dán nhãn hay thiên kiến sẽ hạn chế được những thiên kiến tuổi tác", ông Chung này nói.

Nhìn từ một góc độ khác, anh Trần Ngọc Tuân, CEO của website việc làm dành cho freelancer cho rằng "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Thay vì tranh cãi ai đúng ai sai, hãy xem quan điểm này như một lời cảnh báo trước khi tuổi 30, 35 ập đến.

"Có những người tôi gặp đang ổn định cả chục năm với một vị trí, thu nhập tăng đều, bỗng sụp đổ trong vài tháng, đẩy thu nhập về 0 mà trở tay không kịp. Mọi thứ đều có thể xảy ra, nhất là thời điểm kinh tế, chính trị toàn cầu biến động như hiện tại", anh nói.

Thực tế với kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tuyển dụng, là CEO của hai sàn việc làm, dạo gần đây anh Tuân thấy số lượng các CV của lao động 8X hoặc đầu 9X tăng so với trước. Số đông chuyển từ ngành cũ sang ngành mới và trở thành fresher (người mới, không có kinh nghiệm). Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp tuyển fresher sẽ thích nhân sự trẻ vì đỡ áp lực về mức lương ban đầu so với nhân sự lớn tuổi.

35 tuổi rải CV tìm việc không có gì sai. "Cái mà người lao động tuổi này cần làm là phải tạo được điểm mạnh hoặc lợi thế gì đó để doanh nghiệp không thiếu mình được", anh Tuân nói.

Bài viết liên quan